VÕ THUẬT MANG LẠI CHO NGƯỜI TẠP LỢI ÍCH GÌ?

Posted by VŨ ĐỨC TRỌNG on Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015 |



Mục đích của võ bao giờ cũng cụ thể, nhưng người tập võ có đạt được mục đích ấy không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác: Thời gian tập, không gian tập, đặc điểm tâm sinh lý của người tập, động cơ của người tập, trình độ nhận thức của người tập, bản thân người dạy v.v... Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mục đích sau cùng của võ, thì ta có thể dễ dàng liệt kê những lợi ích của việc tập võ như sau:
1/ Trước hết, võ giúp người tập có sức khỏe.
     Về điểm này, võ cũng là môn thể thao. Những động tác kỹ thuật của võ luôn được xây dựng trên nền tảng các nguyên lý về tâm sinh lý, vật lý, khoa học; nó giúp cơ bắp người tập phát triển, máu huyết lưu thông, ăn tốt, ngủ tốt, khỏe mạnh, an vui. Không chỉ thế, võ còn giúp người tập thư giản đầu óc để có được một tinh thần lành mạnh, minh mẫn. Đây là điểm rất nhiều phụ huynh không nhận ra. Họ chỉ thấy học võ mất thì giờ, không còn thời gian đâu để học văn hóa. Đầu óc con người cũng giống như bộ máy; dù tốt đến mấy mà cứ chạy liên tục không ngưng nghỉ để duy tu, bảo dưỡng thì máy rồi cũng sẽ xộc xệch, rệu rã đi thôi. Hiện nay, tuổi trẻ học quá nhiều: học ngày, học đêm, học thêm, học bù, học luyện nọ chuyên kia... Hậu quả là nhiều em rơi vào trạng thái mệt mỏi, trầm cảm, bảo hòa, tưng tửng, tâm thần phân liệt, điên loạn, dẫn đến nhiều cái chết tức tưởi.
      Tôi xin gửi đến những bậc làm cha làm mẹ lời khuyên này: hãy dành cho con em quí vị thời gian nghỉ ngơi cần thiết, tối thiểu, và thích hợp. Nói cần thiết vì không thể khác được, nói tối thiểu vì chí ít mỗi ngày các em cần đến một giờ để thoát ra khỏi cái vòng vây học và học, nói thích hợp bởi vì không phải em nào cũng đều có nhu cầu thư giãn như nhau - có em thích đắm mình trong giai điệu, có em thích thả hồn vào thế giới sắc màu, nhiều em khác năng động hơn, thích chơi cầu lông, bóng bàn, tập võ v.v... miễn sao trí óc các em được nghỉ ngơi thư giản. Cần nói thêm, trong tất cả cái thú tiêu khiển trên, theo quan sát của chúng tôi, võ thuật là môn tuổi trẻ ham thích nhất.
2/ Võ - giúp đáp ứng nhu cầu giao tiếp của tuổi trẻ.
      Từ trong bào thai, đến vòng nôi và ngôi nhà bé nhỏ của mẹ, trước khi trở thành người lớn với đôi hia vạn dặm dọc ngang trong đời, đứa trẻ cần có môi trường để thể nghiệm, kiểm nghiệm, và trưởng thành. Cái thế giới thu nhỏ ấy có thể là trường học, hội đoàn, đội bóng; không khéo đôi khi còn là một băng nhóm, một quán games... Võ nói chung, và võ đường nói riêng, với truyền thống “tôn sư trọng đạo” làm nền tảng, là không gian lý tưởng giúp đứa trẻ có được môi trường lành mạnh để trưởng thành một cách bình thường. Ở võ đường (có người gọi là CLB) các em có một ông thầy như người cha, có những bạn bè huynh đệ như anh em ruột thịt; các em có dịp thể hiện mình, được đối xử công bằng, nhân ái; các em có dịp giao tiếp với nhiều tính cách, nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống... Qua đó, các em sẽ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, tháo vác hơn, và trưởng thành lên.
       Điều này càng có ý nghĩa hơn khi hiện nay, nhiều gia đình chỉ có không quá hai con, trong lúc cha mẹ phải lăn lộn suốt ngày đêm trên thương trường; đứa bé thui thủi một mình. Thế giới của em là bốn bức tường, cùng lắm thêm cô giúp việc không là một nhà sư phạm... Nhiều em dần dần chìm sâu vào căn bệnh thời đại – “bệnh tự kỷ”, cho đến khi bố mẹ em nhận ra thì đã muộn.
       Cũng trong hoàn cảnh ấy, do không có được môi trường lành mạnh, lại không được cha mẹ quan tâm, nhiều đứa trẻ đắm chìm trong các quán games, bi a, cà phê, nhậu nhẹt, băng nhóm ăn chơi, cướp giật... mà hậu quả thì mọi người đã biết.
       Vậy thì, có thể nói, võ đường là mái gia đình thứ hai, là thế giới thu nhỏ, là môi trường đã được khử trùng, là cái hồ lý tưởng cho tuổi trẻ tập bơi trước khi được tung ra biển lớn.
3/ Võ - phương thức lý tưởng để tu dưỡng phẩm chất, đạo đức.
       Tu dưỡng phẩm chất đạo đức, dạy “đạo làm người”, hay “võ đạo”, “võ đức” là mục đích tối thượng, là lẽ sống của võ. Ngày nay, xem ra chỉ có võ là nơi còn duy trì được “truyền thống tôn sư trọng đạo”, là môi trường lành mạnh để giáo dục và giáo dưỡng. Bởi thế, dân gian gọi võ đường là “lò luyện”, người Nhật gọi võ đường là Dojo (Do là đạo đức, Jo là nơi - Dojo hay đạo đường, là nơi tu dưỡng phẩm chất đạo đức).
       Võ đạo là phạm trù quá phong phú và rộng lớn, trong phạm vi của bài tổng kết này không làm sao có thể nói hết được. Bởi vậy, chỉ xin được gọi tên nó bằng một số khái niệm sau:
      - Đạo đức của võ, đó là: Trung với nước, hiếu để với cha mẹ, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người. Cho nên, tội nặng nhất của con nhà võ là tội bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân.
      - Phẩm chất, đó là: tự trọng, tự tin, dũng cảm, hào hiệp, độ lượng, khiêm tốn, cần mẫn, chịu khó, tính tổ chức kỷ luật, có tinh thần vượt khó, có ý chí vươn lên, có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, không khoe khoan, không hơm hĩnh, “không thấy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không trước bạo lực mà sợ”.
      Những phẩm chất ấy có được không phải bằng con đường giáo lý, rao giảng khô khan mà bằng quá trình nổ lực rèn luyện, khổ luyện; quá trình tự thể nghiệm, kiểm nghiệm, và chứng ngộ. Nói cách khác, tài sản tinh thần của người tập võ có được không phải theo cách cha mẹ cho con của cải, tiền bạc mà bằng sự nổ lực lao động, chắc chiu từng ngày. Đây là điểm đặc trưng của võ không phải phụ huynh nào cũng nhận ra.
4/ Võ - giúp viên thành phong cách, cốt cách.
       Sức mạnh của một con người được thể hiện ra bên ngoài bằng lễ nghi, cốt cách, phong cách. Võ rất coi trọng nội dung này. Bài tập đầu tiên trong đời học võ là bài chào. Động tác đầu tiên khi đi một bài quyền là động tác chào... Võ dạy cho người tập cách đối nhân xử thế trên tinh thần tôn trọng và tự trọng. Võ còn dạy cho người tập biết mình, biết người. Khi định vị được mình là ai giữa cõi thế này, ta mới có thể thể hiện mình một cách thông suốt và bình đẳng: kính mà không sợ, tôn trọng mà không sùng bái, lễ phép mà không lòn cúi, mềm mỏng mà không nhu nhược... Do không sợ hãi, tự tin, tự tại, tự trọng, người có võ bao giờ cũng có cốt cách đường bệ, ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạt, hoà nhã.          Từ “cái tâm” không bị khúc xạ bởi cảm xúc yêu ghét, nóng giận, sợ hãi, mọi hành vi, cử chỉ của anh ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Rõ ràng đó không còn là hình thức thể hiện nữa mà chính là nội dung, là nhân cách, khí tiết của một con người.
       Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, giao lưu hội nhập, thiết nghĩ nếu không có khí tiết thì làm sao tránh khỏi bị ngợp và bị hòa tan; không có niềm tin thì làm sao đứng vững và đi tới; không có cốt cách đường bệ, ung dung thì làm sao có thể cảm hóa được người?
5/ Võ - nghệ thuật sống thanh lãng, an lạc.
      Trên cơ sở biết mình, biết người, hiểu đời, cùng với phương thức trầm tư mặc tưởng, tham thiền; người tập võ làm chủ được mình, dần dần đạt đến cõi tự tại tự giác. Mọi hình tướng ở đời: được - mất, thành - bại, vinh - nhục, sống - chết... không còn mảy may xao động ta nữa. Người tập võ đạt đến trạng thái có thể quan tâm đến mọi điều, nhưng không để điều gì trói buộc mình. Và thế là anh ta trở nên một con người hoàn toàn tự do; tâm hồn thanh lãng, an lạc.
6/ Và sau cùng, võ trang bị kỹ năng tự vệ chiến đấu.
       Cuộc sống thì bao giờ cũng thế và ở đâu cũng thế: có bình có loạn, có yên có nguy, có người tốt kẻ xấu, có người phải kẻ trái, có anh hùng có thằng khùng thằng điên... Vậy nên, biết cách tự vệ bao giờ cũng hơn không biết gì.
       Mỗi phái võ có nền tảng kỹ thuật riêng để dạy cho người tập những kỹ năng tự vệ thích hợp và hiệu quả. Đấm đá không phải là mục đích sau cùng của võ, nhưng là cánh cửa đưa ta đến mục đích sau cùng. Đây là nét đặc trưng của võ: nếu chỉ dừng lại ở mức đấu đá thì võ chẳng có giá trị gì, nhưng nếu không qua con đường đấu đá thì các giá trị kia chỉ là những lời rao giảng đầu môi. Tôi nói điều này để mong quí vị phụ huynh không nên quá lo lắng về chương trình tập luyện quyền cước của con em họ.
       Rèn luyện sức khỏe, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, tu dưỡng phẫm chất đạo đức, hình thành phong cách, là nghệ thuật sống, trang bị kỹ năng tự vệ chiến đấu. Đó là những mục đích cơ bản của võ. Còn như người tập võ đạt được những mục đích ấy không, đạt được những gì, và đạt đến đâu thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác. Cũng như mục đích của việc học ngoại ngữ là để nói được, nghe được, viết được. Tuy cùng thầy, cùng lớp, nhưng không phải học sinh nào cũng đều nói được, nghe được, viết được như nhau.
       Như đã nói, thành quả của việc tập luyện còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó ba yếu tố này là quan trọng nhất. Một là, người tập có thành tâm không? Hai là, môi trường tập có phải là một “đạo đường” không? Ba là, ông thầy có đúng là một người thầy chân chính không?
      Ngày nay, võ không còn là hoạt động văn hóa truyền thống đơn thuần mà đã bị thể thao hóa, thương mại hóa. Nhiều nơi, võ đường nay chỉ còn là CLB như bao CLB khác; mục đích dạy võ thay vì để “dạy đạo làm người” thì nay cốt để tranh dành huy chương, thành tích; ông thầy dạy võ nay chỉ còn là một Huấn luyện viên như bao Huấn luyện viên khác. Mà nếu vậy, thì những lợi lạc của võ làm sao có được; những mục đích cao cả của võ làm sao đạt được?

Vũ Đức Trọng (Sưu tầm)
Tags: BIỂU DIỄN

Bài mới

Subscription

You can subscribe by e-mail to receive news updates and breaking stories.

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO 0982574329

Tag Cloud

CƠ SỞ IN CỜ GIẢI

Archives

 Hot: MUA BÁN, SỬA CHỮA MÁY TÍNH
"> var bannersnack_embed = {"hash":"bxp3wpu7a","width":300,"height":250,"t":1433410810,"userId":19100301,"bgcolor":"#3D3D3D","wmode":"opaque"}; " height="250" title="THẾ CÔNG | NGŨ LÃO - THỦY NGUYÊN">